Đánh giá Bách Lý Hề

Sử ký Tư Mã Thiên có chép lại những lời bình luận của đời sau về Bách Lý Hề như sau:

  • Tần là nước nhỏ, nhưng có chí lớn. Tuy nó ở nơi hẻo lánh nhưng chính trị của nó đúng đắn. Tần Mục công cùng Bách Lý Hề bàn chính sự suốt ba ngày, rồi trao quyền chính cho ông ta. Nếu làm như thế thì nghiệp bá vẫn còn nhỏ đấy.[11] (lời nhận xét của Khổng Tử)
  • "Ngũ Cổ đại phu quê ở đất Kinh, nghe tin Tần Mục công là vua hiền, muốn yết kiến nhưng đi không có tiền, phải bán mình cho người khách ở Tần, mặc áo cộc chăn dê. Được một năm, Tần Mục công biết đến, cất nhắc từ dưới miệng trâu mà đặt trên đầu trăm họ, nước Tần không ai dám oán trách. Làm tể tướng sáu bảy năm, phía đông đánh Trịnh, ba lần lập vua nước Tấn, một lần cứu họa nước Sở, thi hành giáo hóa ở trong bờ cõi, làm cho người đất Ba đến nộp đồ cống, đức ban ra các chư hầu và các rợ Nhung đều theo phục. Do Dư nghe vậy, đến cửa thuyết xin yết kiến. Ngũ Cổ đại phu làm tướng nước Tần, lúc mệt không ngồi xe, lúc nắng không che lọng, đi ở trong nước không có xe tùy tùng, không có người mang giáo mác hộ vệ, công lao ghi vào sử sách, đức hạnh lưu lại đời sau. Khi Ngũ Cổ đại phu chết, trai gái nước Tần chảy nước mắt, trẻ con không ca hát, người giã gạo không hò, đức của Ngũ Cổ đại phu là như thế."[12] (lời nhận xét của Triệu Lương, khi so sánh ông với Thương Ưởng).